249 là số sách mình đã đọc trong hơn 22 năm cuộc đời. Nhưng vấn đề không phải đọc được bao nhiêu quyển sách, mà là: Làm sao để thực sự ghi nhớ và ứng dụng những kiến thức đã học được vào cuộc sống?

Để trả lời cho câu hỏi này, trong hơn 7 năm qua, mình đã áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau:

  • Ghi chú trên sách và chép lại vào sổ
  • Highlight trên Kindle
  • Viết nhật ký đọc sách
  • In câu/đoạn tâm đắc bỏ vào binder
  • Xây dựng hệ thống Second Brain của Tiago ForteMind Expansion (thuộc hệ thống PPV) của August Bradley trên Notion
  • Xây dựng hệ thống quản lý kiến thức trên Obsidian

Cùng với đó là Hàng trăm giờ mày mò xem các video youtube về phương pháp đọc sách và quản lý kiến thức hiệu quả. Nhưng buồn thay, tất cả ĐỀU THẤT BẠI 😭

Tình trạng học-trước-quên-sau, biết-rồi-vứt-hết không chỉ xuất hiện khi mình đọc sách mà còn lúc học bài, nghe giảng bài, xem video… Có lẽ mình đã sớm từ bỏ hy vọng có thể tìm ra một phương pháp vừa đơn giản, vừa hiệu quả nhanh chóng quản lý kiến thức…

Nếu không có một ngày…

…Ngày thứ 5 định mệnh, khi lang thang trên Youtube thì mình bắt gặp 1 video của chị Chi Nguyễn (The Present Writer) giới thiệu về phương pháp Notecard System.

Quá phấn khích, mình thực hành ngay… Wow!! Nó còn đỉnh hơn mình tưởng😭

Chưa bao giờ mình cảm thấy bản thân phấn khích, nhiệt tình học tập và sáng tạo đến thế!

Càng phấn khích hơn khi mình biết rằng phương pháp này còn có thể được dùng để tạo nên vô số thứ khác nhau:

  • Nhà văn Vladimir Nabokov dùng phương pháp này để viết tiểu thuyết.
  • Hai tác giả Mỹ nổi tiếng Robert Green và Ryan Holiday dùng phương pháp này để viết hàng chục quyển sách best seller.
  • Dustin Lance Black - nhà biên kịch đoạt giải Oscar dùng phương pháp này để viết kịch bản phim.
  • Chính trị gia Ronald Reagan dùng phương pháp này để viết hàng trăm bài phát biểu.

Phương pháp này đang thay đổi cuộc đời mình, nó đem lại niềm vui và nguồn cảm hứng cho mình mỗi ngày! Và mình tin rằng rất rất nhiều bạn ngoài kia nếu biết đến và sử dụng nó cũng sẽ được tận hưởng những điều tuyệt vời như vậy.

Do đó, mình đã dành 1 tuần liền (hơn 45 giờ) để nghiên cứu và viết nên bài chia sẻ mà bạn đang đọc ở đây. Hy vọng có thể cho bạn một cái nhìn toàn diện và nguồn cảm hứng để bắt tay vào áp dụng Ngay sau khi đọc xong bài viết!1

Hãy cùng mình bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu tất tần tật về Notecard System.

PS: Bài viết này được mình viết và đăng vào tháng 11/2022 ở một group khác. Tuy đã lâu rồi nhưng mình nghĩ bạn sẽ thấy nó hữu ích nên mình đăng lại trên group chúng ta 😊

Một số cập nhật hiện tại

Sau 3 tháng sử dụng phương pháp ghi chú này thì mình đã dừng lại. Bởi vì khi số lượng notecard đủ lớn (dài gần bằng một sải tay của mình) thì việc kiểm soát, sắp xếp và truy xuất nó quá khó khăn đến mức nản chí (như trong phần nhược điểm mình có nêu ra). Tuy vậy, mình vẫn thấy đây là một phương pháp thú vị mà bạn có thể thử, và điều chỉnh nó để phù hợp với nhu câu của bản thân.

Hiện tại mình đang dùng Obsidian để ghi chú những điều hay học được trong sách cũng như các bài viết của mình. Thất bại nhiều năm về trước trong việc xây dựng hệ thống ghi chú trên Obsidian đã cho mình một số bài học và bây giờ mình đang cố gắng thiết kế nó tinh gọn và đáp ứng đủ nhu cầu vào bản thân hơn là đi sa vào việc thu lượm kiến thức2 Có bạn nào đã từng thử nghiệm phương pháp ghi chú bằng giấy này chưa? Comment cho mình biết với nhé 🥰

Notecard System là cái chi?

Notecard system là một phương pháp sử dụng hệ thống thẻ ghi chú (notecard) để lưu trữ, sắp xếp và áp dụng kiến thức. Từ đó, kết nối những kiến thức bạn có để sáng tạo nên vô số thứ khác nhau. Phương pháp này xuất phát từ “Commonplace Book” - một phát minh đã có từ tời Phục Hưng.

Khác phương pháp ghi chú truyền thống, với phương pháp này kiến thức được:

  • Sắp xếp theo chủ đề, dễ xem lại, tra cứu.
  • Va chạm, kết nối với nhau tạo ra ý tưởng mới.
  • Lưu trữ và có giá trị mãi mãi đối với người dùng.

Dù trông những tấm thẻ ghi chú có vẻ đơn giản nhưng Notecard System lại có thể ứng dụng vô vàn khía cạnh của quá trình học tập và làm việc. Cụ thể như thế nào thì mình sẽ chia sẻ rõ hơn trong phần sau của bài viết nhé.

Ngoài ra, khi nhắc đến Notecard, chúng ta không thể không nhắc đến Zettelkasten - một phương pháp nâng cao hơn được phát triển bởi Niklas Luhmann, một nhà xã hội học người Đức sống ở thế kỷ XX. Ở phần tài liệu tham khảo mục 6 bạn có thể tìm thấy video giới thiệu tổng quát về phương pháp này.

Bên cạnh đó, thay vì sử dụng notecard, bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng quản lý kiến thức dựa trên những nguyên tắc của phương pháp này. Mình sẽ phân tích rõ hơn về điều này cũng như giải thích lý do vì sao mình chọn sử dụng notecard ở phần “Notecard vs. Digital Note-talking Apps”

Các bước thực hiện

Bước 1: Học kiến thức

Học ở đây không chỉ từ sách vở mà còn qua các kênh khác: video, báo, podcast, bạn bè,…

Mỗi khi tiếp nhận một kiến thức mới, chúng ta nên chủ động sử dụng tư duy phản biện để suy nghĩ, phân tích, vận dụng kinh nghiệm cũng như những kiến thức nền của bản thân để đánh giá chứ không nên chỉ tiêu thụ một cách bị động.

Ví dụ: Khi đọc sách, hãy gạch chân những ý quan trọng, ghi lại suy nghĩ và bình luận của mình bên lề và tổng kết 3 bài học + 3 điều mình sẽ áp dụng vào sau mỗi chương.

Trong bước này, bạn cũng nên ghi chú lại những gì mình đã học được. Đây chính là tài liệu để bạn xem lại và chọn lọc vào trong notecard.

Bạn có thể ghi lại bằng giấy bút hoặc sử dụng các công cụ khác: Ứng dụng ghi chú trên điện thoại, App ghi âm, Notion, Tiện ích Highlight trên web, …

Bên cạnh đó, hãy tập ghi lại mọi thứ có ích, đặc biệt là những ý tưởng hay ho xuất hiện trong đầu bạn.

Bước 2: Ghi lại vào thẻ ghi chú

Đến cuối ngày, bạn có thể xem lại những ghi chú của mình rồi chọn lọc và ghi lại chúng xuống thẻ.

Xem hình trên, bạn có thể thấy bố cục cơ bản của một thẻ bao gồm tiêu đề, chủ đề, tác giả, nội dung ghi chú và liên kết đến thẻ khác. Ngoài ra, cá nhân mình thích thêm thời gian tạo thẻ gợi nhớ khi xem lại.

Cụ thể, nên viết như thế nào?

  • Chỉ viết 1 ý tưởng (đơn vị kiến thức) cho một thẻ.
  • Chắt lọc và diễn đạt lại kiến thức theo cách hiểu của mình.
  • Thêm ngữ cảnh cho nội dung ghi chú.
  • Có thể sử dụng thêm hình vẽ biểu đồ cho sinh động.

Mình sẽ giải thích rõ hơn về những điều này trong phần tiếp theo.

Bước 3: Sắp xếp thẻ ghi chú

Fun fact: Ryan Holiday có 10 hộp notecard (với hơn 10,000 thẻ), mỗi hộp chứa tất cả thẻ của 1 quyển sách anh ấy viết.

Sau khi viết xong, giờ là bước xếp thẻ vào hộp theo chủ đề.

Ví dụ, mình có các chủ đề sau đây: Anki, Content, Copywriting, Canva, English, Mindset, Productivity, Teaching, Reading, Study…

Khi bộ thẻ của bạn lớn dần lên thì trong mỗi chủ đề, bạn có thể phân ra thành từng hạng mục nhỏ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thẻ màu như một loại tag để đánh dấu các thẻ có điểm chung xuyên suốt các bộ thẻ.

Ví dụ: mình sử dụng màu hồng cho các thẻ chứa câu trích dẫn, và màu hồng xuất hiện khắp mọi nơi trong bộ thẻ của mình. Nó làm cuộc đời mình thành màu hồng luôn (just kidding:))

Bước 4: Áp dụng kiến thức

Cứ cho rằng, bạn đã làm xong 3 bước kia. Và bạn nghĩ: “Ờm thế là xong rồi đấy”

Thì dù bạn có vô cực thẻ, chúng cũng vô dụng mà thôi.

Điều quan trọng nhất mà phương pháp này hướng đến là nằm ở hai từ: ÁP DỤNG và SÁNG TẠO. Và chúng đều nằm ở bước 4 này.

Điều con người tìm kiếm vẫn luôn là trí tuệ chứ không đơn thuần là những kiến thức khô cứng vô hồn.

Wisdom is the ability to use your experience and knowledge in order to make sensible decisions or judgments.

Trí tuệ là khả năng sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của bạn để tạo ra những quyết định hoặc phán đoán hợp lý.

Vậy, làm như thế nào để áp dụng và sáng tạo từ những thẻ ghi chú của bạn?

Ở mỗi thẻ, bạn hãy thêm mục ÁP DỤNG để ghi lại những ý tưởng, hành động cụ thể mà mình có thể làm để thực hành bài học trong thẻ (và phải làm thật nhen)

Thường xuyên review lại bộ thẻ, bổ sung bình luận và kết nối ý tưởng các thẻ lại với nhau.

(Những gợi ý chi tiết hơn sẽ được đưa ra ở phần tiếp theo của bài viết) Hãy nhớ,

knowledge is NOT power. Applied knowledge is power.”
(Dan Lok)

Phù, thế là bạn biết cách thực hiện phương pháp này rồi nhỉ^^

Một lưu ý cuối cùng là bạn có thể điều chỉnh những bước trên để phù hợp và hiệu quả hơn cho việc sử dụng của riêng bạn nhen!

KINH NGHIỆM ĐỂ TẠO NÊN MỘT BỘ THẺ CHẤT LƯỢNG

Bản thân 1 tấm thẻ ghi chú không có gì thần kì, chính cách bạn sử dụng mới làm nên sức mạnh của nó.

Dưới đây là 7 kinh nghiệm được tổng hợp từ chính kinh nghiệm trong quá trình sử dụng của mình cũng như những người khác (được tổng hợp từ hơn 15 bài báo và video mình đã xem về chủ đề này)

Kinh nghiệm 1: CHỌN TÊN THÔNG MINH

Tiêu đề là yếu tố quyết định khả năng truy xuất của thẻ. Phải chọn tiêu đề làm sao để chỉ cần đọc nó thôi, bạn đã biết được trong thẻ nói về điều gì.

Do vậy, hãy cố gắng đặt tiêu đề:

  • Cụ thể, trọng tâm.
  • Có từ khóa gợi nhớ lại nội dung thẻ. - Hướng vào mục đích sử dụng sau này của bạn.

Kinh nghiệm 2: KHÔNG SAO CHÉP

Ủa, a lô !😓 Đã viết tay rồi còn sao chép?

Sao không dùng Notion Web Clipper để cop y chang cả trang vào Notion luôn cho lẹ 🤧

Việc sao chép y nguyên cũng như học vẹt, sẽ hạn chế độ hiểu và khả năng áp dụng của bạn.

Hãy diễn đạt lại nội dung học được theo cách của mình, bạn sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn và biết mình có thực sự hiểu những gì đang viết hay không.

Kinh nghiệm 3: KHÔNG ÔM ĐỒM

Chuyện kể rằng ở ngôi làng X nọ có một anh chàng tên là Ôm Đồm. Đúng như cái tên của mình, làm chi anh cũng ôm đồm.

Khi sử dụng phương pháp này, anh ta cố nhét tất cả idea vào 1 thẻ. Mà quên mất đặt cho mình câu hỏi: “Mắc chi người ta làm ra tấm thẻ ghi chú nhỏ xíu dị?” Để KHÔNG ôm đồm đó !😉

Mỗi thẻ chỉ nên chứa một ý tưởng.

Điều này không đơn thuần do không gian thẻ quy định mà còn là cơ sở để tạo ra các kết nối cần thiết cho quá trình sáng tạo giữa các thẻ sau này.

Đến đây thì anh Ôm Đồm đã hiểu và sửa mình.

Thế nhưng….

… hóa ra…

………anh Ôm Đồm (từ giờ ta hãy gọi là anh Ôm Đồm Một) còn có một người em song sinh nữa là anh Ôm Đồm Hai.

Anh này mắc hội chứng FOMO nên hễ thấy cái gì hay hay cũng viết vào thẻ.

Cũng như anh của mình, anh ta chẳng bao giờ chịu đặt câu hỏi. Và câu hỏi trong trường hợp này là:

“Mình có thực sự CẦN điều này không? Nó có giá trị gì với cuộc sống của mình hiện tại không?”

Điều mình muốn nói ở đây là, đừng ôm đồm kiến thức, hãy chắt lọc những gì thực sự cần thiết mà bạn muốn sử dụng lâu dài.

Kinh nghiệm 4: THÊM NGỮ CẢNH

Hãy viết ghi chú như thể cho một người xa lạ. Bởi vì sau 24h chúng ta sẽ quên sạch 70% những gì mình mới học (đọc thêm về Đường quên lãng)

Khả năng cao là bạn sẽ chẳng thể nhớ nổi ai là người phát biểu câu trích dẫn A, đoạn B kia có nghĩa gì hay tại sao mình lại viết CDE trong thẻ.

Vì vậy, hãy thêm ngữ cảnh cho nội dung bạn viết.

Ví dụ, nếu bạn trích dẫn từ sách thì nên thêm số trang, người nói (nếu có) và điều tác giả đang cố chứng minh trong đoạn này.

Kinh nghiệm 5: LIÊN KẾT Ý TƯỞNG

”Creativity is just connecting things.” (Steve Jobs)

Sáng tạo đơn giản chỉ là sự kết nối các ý tưởng. Do vậy, việc của bạn là thu thập những ý tưởng của người khác và kết nối chúng lại theo cách của mình.

Notecard chính là công cụ để bạn thực hiện điều đó. Nhưng điều này không diễn ra một cách tự động mà bạn cần tạo thói quen:

  • Khi viết thẻ mới, liên kết nó với ý tưởng trong thẻ cũ.
  • Khi review cần chủ động tìm cách kết nối ý tưởng giữa các thẻ lại với nhau.

Kinh nghiệm 6: TẠO THẺ INDEX

Khi bộ thẻ lớn dần lên, sẽ khó khăn hơn cho bạn để kiểm soát và hệ thống chúng.

Vì vậy, chúng ta có thể làm thêm các thẻ mục lục cho toàn bộ thẻ và các chủ đề riêng lẻ.

Ví dụ, mình có:

  • Thẻ hệ thống tất cả chủ đề mình có theo bảng chữ cái.
  • Thẻ hệ thống tất cả các hạng mục nhỏ cho từng chủ đề.

Kinh nghiệm 7: LUÔN SÁNG TẠO

Còn nhớ ngôi làng X của chúng ta chứ? Ở đó còn 1 nhân vật hay ho nữa mà mình muốn giới thiệu với bạn.

Đó là cô Sáng Tạo.

Thay vì chờ chờ đợi ý tưởng tích tụ và sáng tạo điều gì từ chúng. Cô nghĩ tới sản phẩm và tìm cách dùng notecard để tạo ra sản phẩm đó.

Và thế là với notecard, cô bắt đầu viết sách, kịch bản phim, lên ý tưởng cho video, soạn bài phát biểu… và 101 sản phẩm khác.

Cá nhân mình đã được truyền cảm hứng áp dụng PP này vào việc viết content sau khi xem xong video chia sẻ của Dustin Lance Black (link ở mục tham khảo số 13). Bài viết này được research và outline trên hơn 40 tấm thẻ ghi chú (đó là lý do nó dài thế này !🤧)

Đừng chỉ giới hạn khả năng của notecard ở việc lưu trữ những kiến thức bạn có. Hãy coi nó như một công cụ để sáng tạo. Bạn sẽ thấy bản thân làm được những điều tưởng như không thể một cách đầy say mê.

TRẢI NGHIỆM CỦA CÁ NHÂN MÌNH

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ VỚI NOTECARD?

Đọc đến đây, chắc bạn cũng nghĩ ra vài ý tưởng hay ho để sử dụng thẻ ghi chú cho bản thân rồi nhỉ 😊

Trong trường hợp bạn chưa có thì dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn:

🌿 Bộ thẻ Study: ghi lại những phương pháp học tập nên-hồn mà bạn muốn áp dụng

🌿 Bộ thẻ Productivity: ghi lại những phương pháp giúp bạn làm việc hiệu quả hơn

🌿 Bộ thẻ Quote: ghi lại những câu nói truyền cảm hứng đến bạn

🌿 Bộ thẻ Reading: ghi lại những phương pháp đọc sách hiệu quả

🌿 Bộ thẻ Ideas: ghi lại những ý tưởng hay ho mà bạn nghĩ ra

Bất kỳ một kỹ năng, lĩnh vực nào bạn muốn theo đuổi đều có thể được chuyển hóa thành những tấm thẻ nhỏ xinh giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

Bên cạnh đó, xét về mặt sáng tạo, bạn có thể dùng notecard để tạo nên rất nhiều thứ:

🌿 Viết lách (làm văn, viết sách, content, kịch bản…)

🌿 Soạn bài phát biểu, bài thuyết trình

🌿 Thiết kế khóa học

🌿 Lên ý tưởng cho bài giảng, dự án, video, podcast…

Nói chung bất cứ điều gì cần ý tưởng cho con chữ bạn đều có thể áp dụng PP này 🤤

🌻 Một tips nhỏ là bạn không cần phải xác định ngay từ đầu mình sẽ có những bộ thẻ nào, chỉ cần viết những điều mình tâm đắc xuống thẻ rồi có thể phân loại chúng sau hén! Ẩn bớt

NOTECARD VS. NOTE-TAKING APPS

Sau khi đọc xong bài này, có lẽ bạn sẽ trì hoãn bằng cách google tìm hiểu thêm về phương pháp này… Và bạn nhìn thấy một loạt các phương pháp và công cụ khác 😱

Bấy giờ đầu bạn sẽ nhảy số liên tục, và màn đấu tranh nội tâm bắt đầu:

  1. “Tui chọn dùng NOTECARD” 😋
  2. “Cái tên SHOEBOX nghe hay hay, hay là dùng PP này nhỉ” 🤔
  3. “Chơi mạnh luôn! Dùng ZETTELKASTEN như Niklas Luhmann - tui sẽ viết được 50 quyển sách kakakaka” 🤓
  4. “Số 3 bị ngu à!!! Thời đại 4.0 rồi, ai rảnh đâu ngồi chép tay 50 quyển sách, dùng NOTION cho lẹ chứ” 😎
  5. “Bốn à, mày biết 3 biết 4 mà không biết 5, ROAM mới chính là ứng dụng được thiết kế chính xác dựa trên phương pháp này” 😏
  6. “Năm! Cậu thông minh thật đấy! Nhưng nếu có 1 ngày mất hết dữ liệu thì đừng bảo tớ chưa nhắc cậu sớm hơn về OBSIDIAN - ứng dụng “FREE + never die dữ liệu” nhé 😉

Bạn chọn cái nào???

…1 HAY 2 HAY 3 HAY 4 HAY 5 HAY 6

……………………………………..

…………………………….

……………….

…..CHƯƠNG TRÌNH SỔ XỐ bắt đầu 😂😂😂

Anw, đọc tới đây thì bạn cũng thấy được niềm đam mê cháy bỏng của mình đối với Notecard rồi đấy.

Vì thế cũng hợp lý khi mình chuẩn bị…

…GIẢI THÍCH với bạn rằng Notecard System IS THE BEST, dùng nó ngay đừng chạy app làm gì

…PHÂN TÍCH rằng dùng app chỉ tổ copy & paste, thừa mứa thông tin mà chẳng thể áp dụng.

…CHỨNG MINH các luận điểm trên với hành trình đau thương của mình với Notion và Obsidian.

Và dù rằng mình thật sự đã có trải nghiệm THẤT BẠI khi dùng cả NOTION và OBSIDIAN để quản lý kiến thức…

Thì thay vì áp đặt trải nghiệm cá nhân của mình lên bạn, mình chỉ xin đưa ra một số ưu và nhược điểm của notecard so với các ứng dụng ghi chú theo cảm nhận cá nhân sau một thời gian sử dụng cả 2.

ƯU ĐIỂM CỦA NOTECARD

  1. Thiết lập đơn giản

Chỉ cần 1 tờ giấy và 1 cây bút là bạn hầu như đã có thể thực hành ngay phương pháp này rồi.

Trong khi đó, để có thể bắt đầu với bất kỳ một app nào, dù bạn đã dùng qua nó hay chưa thì cũng cần thời gian để xây dựng một hệ thống hiệu quả cho phương pháp này.

  1. Kiến thức được tinh lọc

“Viết tay ai nỡ viết dài Gõ phím cú một, chỉ cần sê pê (copy & paste)”

Không gian giới hạn của thẻ ghi chú cộng với việc viết tay sẽ buộc bạn phải chắt lọc lại kiến thức một cách ngắn gọn, tinh túy nhất.

Trong khi đó, vì không gian trên app là vô hạn và đánh máy (hoặc copy & paste) chẳng tốn mấy công nên chúng ta thường có xu hướng ôm đồm (nhớ anh em nhà Ôm Đồm chứ)

  1. Giúp chúng ta ghi nhớ tốt

Khoa học đã chứng minh viết tay giúp chúng ta nhớ kiến thức tốt hơn gõ máy.

  1. Tiết kiệm thời gian

Khi sử dụng thẻ ghi chú, chúng ta sẽ tập trung vào công việc chính: học, ghi chú, xem lại.

Trong khi đó, tính năng vô tận của app dễ dàng khiến bạn sao nhãng, bạn sẽ có xu hướng dành hàng giờ làm đẹp và trang trí công cụ của mình thay vì tập trung vào làm việc chính.

🌻 Như một thành viên của nhóm mình - bạn Lê Minh Ngọc trong bài viết BẠN CÓ BỊ NGHIỆN APP TAKE NOTE KHÔNG? đăng hôm 15/11 vừa rồi có đề cập:

“Thời gian mình bỏ ra cho một template, một setup còn nhiều hơn thời gian mình sử dụng nó” và “Khi cuộc sống mình trở nên bận hơn, việc phải mở ra cả một hệ thống chỉ để input một vài ghi chú đơn giản trở nên khá phiền”.

Đó là lý do bạn ấy từ bỏ hầu hết các app ghi chú và chỉ còn quay lại với 2 ứng dụng cơ bản nhất.

  1. Áp dụng tốt hơn

Khi ta bỏ công sức ra làm điều gì đó, ta sẽ cảm thấy trân trọng nó. Và điều này cũng đúng trong việc ghi chú trên thẻ giấy. Mệt óc. Mỏi tay. Nhưng chính vì vậy mà bạn sẽ cảm thấy phải làm cho việc này có ý nghĩa…

Bằng cách thực sự ứng dụng những kiến thức đó vào cuộc sống của chính mình.

  1. Kết nối ý tưởng trực quan

🌻 Sau khi viết xong ý tưởng cho các phần chính của bài viết này lên thẻ ghi chú, mình xếp tất cả thẻ trên bàn. Di chuyển, sắp xếp lại các thẻ theo thứ tự mà mình cho là hợp lý nhất.

Việc được chạm tay vào các ý tưởng và kết nối đến nó một cách trực quan sẽ mang đến cho bạn không chỉ sự bùng nổ về cảm xúc mà còn về ý tưởng.

Hãy xem video về Dustin Lance Black, bạn sẽ hiểu hơn điều mình muốn nói.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA NOTECARD

  1. Khả năng truy cập hạn chế

Dùng thẻ ghi chú thì bạn đương nhiên không thể tiếp cận đến chúng mọi lúc mọi nơi

Bên cạnh đó, muốn tìm 1 thẻ nhất định cũng mất nhiều thời gian hơn trong khi trong app thì chỉ cần vài giây.

  1. Không thể tạo liên kết trực tiếp giữa các thẻ với nhau

Có thể nói đây là hạn chế lớn nhất của thẻ ghi chú. Mặc dù chúng ta có thể viết ra tên thẻ mà chúng ta muốn liên kết đến hoặc sử dụng mã ID như phương pháp Zettelkasten. Nhưng để tìm lại các thẻ đó, chúng ta vẫn cần phải tự tay mò mẫn trong hàng đống thẻ.

Trong khi đó, với giải pháp công nghệ, trong 1 trang, ta có thể tạo cả ngàn liên kết đến những trang khác và di chuyển đến đó trong tích tắc. Đặc biệt, những ứng dụng như Obsidian còn cho phép chúng ta xem các notes dưới dạng graph view để thấy được mối liên hệ giữa chúng vô cùng trực quan.

  1. ÍT TÍNH NĂNG HƠN

Notecard rõ ràng bị hạn chế hơn app rất nhiều về mặt tính năng. Chúng ta không thể share, nhân bản, chuyển đổi, thêm media, metadata… như trên ứng dụng.

Điều đó có thể là một hạn chế rất lớn đối với một số bạn. Nhưng đối với mình đa số những nhu cầu trên vẫn chưa thiết yếu lắm.

  1. DỄ QUÁ TẢI DỮ LIỆU

Cũng vì những hạn chế trên nên khi sử dụng thẻ ghi chú, chúng ta sẽ gặp khó khăn nếu phải làm việc với một lượng thông tin kiến thức lớn.

Và mặc dù Ryan Holiday có thể viết 10 quyển sách hoàn toàn bằng notecard thì đó có lẽ cũng là một công việc khó khăn hơn so với việc sử dụng app. …

🌈 Tuy đưa ra so sánh như vậy, nhưng mình cho rằng giữa notecard và ứng dụng ghi chú KHÔNG phải là một cuộc chiến.

Mỗi bên có ưu nhược điểm riêng và đáp ứng cho những nhu cầu, mục đích khác nhau. Hơn nữa, ta hoàn toàn có thể kết hợp cả 2 công cụ này để tạo nên một hệ thống hiệu quả nhất.

Vậy thì vì sao mình chọn sử dụng NOTECARD thay cho ứng dụng ghi chú? 🤔

Có thể gói gọn trong 3 lý do dưới đây:

Mình muốn giảm thời gian ngồi trước máy tính lại (thực sự là hiện tại mình đã dùng máy tính rất nhiều rồi, nếu thêm việc này nữa thì mình sẽ ngồi nguyên ngày trước màn hình mất)

Notecard đem lại cho mình những cảm giác tuyệt vời mà không một ứng dụng hay công cụ nào khác có thể thay thế: bất ngờ, phấn khích, hạnh phúc, sáng tạo, chăm chỉ,…

Và may thay (?) công việc của mình chưa đòi hỏi PHẢI sử dụng những tính năng của app thì mới xử lý được.

SAU TẤT CẢ

Điều quan trọng nhất không phải là bạn sử dụng công cụ nào mà là TƯ DUY của bạn khi sử dụng công cụ đó.

Dù bạn chọn thẻ ghi chú, ứng dụng ghi chú hay cả 2, mình hy vọng bạn đều có thể áp dụng những tư duy cốt lõi của phương pháp này để sử dụng chúng một cách hiệu quả. Ẩn bớt

MUỐN TÌM HIỂU THÊM VỀ CHỦ ĐỀ NÀY?

MUỐN TÌM HIỂU THÊM VỀ CHỦ ĐỀ NÀY?

Dưới đây là tổng hợp 13 bài báo và video chất lượng nhất trong hàng tá tài liệu mình đã đọc để nghiên cứu về chủ đề này.

Bên cạnh đó, còn có những bài giới thiệu về phương pháp và công cụ được mình nhắc đến trong bài viết.

Link sẽ được để ở phần bình luận bên dưới nhé!

🌻 Lưu ý: Ngoại trừ mục số 1, số 7 và số 8 là tiếng Việt thì những tài liệu còn lại đều sử dụng tiếng Anh. (Mình sẽ update link sau)

  1. Cách GHI NHỚ và ỨNG DỤNG mọi kiến thức đã học (3 bước đơn giản!) (The Present Writer)
  2. Ryan Holiday’s 3-Step System for Reading Like a Pro (Daily Stoic)
  3. HOW I WRITE MY BOOKS: Robert Greene Reveals His Research Methods When Writing His Latest Work (London Reel)
  4. The Notecard System: Capture, Organize, and Use Everything You Read, Watch, and Listen To (Billy Oppenheimer)
  5. The Shoebox Method (Verbal to Visual)
  6. Zettelkasten Note-Taking Method: Simply Explained (Shu Omi)
  7. The FUN and EFFICIENT note-taking system I use in my PhD (morganeua)
  8. ĐỌC HIỆU QUẢ // Xây dựng thói quen, kỹ năng và động lực đọc sách (The Present Writer)
  9. TƯ DUY PHẢN BIỆN (CRITICAL THINKING) 🧠 | Định nghĩa & 3 cách đặt câu hỏi phản biện (The Present Writer)
  10. How To Get Things Done And Stop Procrastinating - Boss In The Bentley (Dan Lok)
  11. The Second Brain - A Life-Changing Productivity System (Ali Abdaal)
  12. Intro & Overview of Pillars, Pipelines & Vaults – Notion Life Operating System (August Bradley)
  13. Creative Spark: Dustin Lance Black (Academy Originals) Ẩn bớt
  14. Mình biết tới Notecard System nhờ video này của chị Chi Nguyễn (The Present Writer) https://bit.ly/notcard001
  15. Chia sẻ của Ryan Holiday về Notecard System trong 8 phút: https://bit.ly/notecard002
  16. Chia sẻ của Robert Greene (người dạy cho Ryan về PP này) trong 5 phút: https://bit.ly/notecard003
  17. Chia sẻ của Billy Oppenheimer (trợ lý nghiên cứu của Ryan Holiday) về Notecard System, đây là bài báo chi tiết nhất về PP này mà mình đọc được: https://bit.ly/notecard004
  18. Phương pháp Shoebox (tương tự như Notecard) trong 8 phút: https://bit.ly/notecard005
  19. Phương pháp Zettelkasten trong 4 phút: https://bit.ly/notecard006
  20. Cách áp dụng Zettelkasten vào Obsidian trong 17 phút: https://bit.ly/notecard007
  21. Phương pháp đọc sách hiệu quả trong 11 phút: https://bit.ly/notecard08
  22. Tư duy phản biện trong 21 phút (rất đáng xem với bất cứ ai) https://bit.ly/notecard009
  23. Tư duy (mindset) để áp dụng thành công PP này trong 15 phút: https://bit.ly/notecard010
  24. Giới thiệu về Hệ thống Second Brain (mình từng áp dụng): https://bit.ly/notecard011
  25. Giới thiệu về Hệ thống PPV của August Bradley (mình từng áp dụng): https://bit.ly/notecard0012
  26. Cuối cùng, trong số tất cả video và bài báo đã xem thì đây là VIDEO MÌNH THÍCH NHẤT, nó là nguồn cảm hứng để mình sử dụng notecard viết nên bài này. https://bit.ly/notecard013

Footnotes

  1. https://bit.ly/a_small_gift_for_you

  2. Em chỉ hạn chế việc tạo hashtag hay liên kết giữa các note chừng nào mình cảm thấy chưa cần thiết. Hiện tại em tập trung dùng folder để truy xuất hơn là link giữa các note (số notes hiện tại <100). Em nghĩ điều quan trọng nhất là điều chỉnh nó phù hợp với nhu cầu của từng người, phục vụ cho mục đích sử dụng chứ không phải tích cóp và thừa mứa khiến mình bị quá tải